Trứng – Vịt – và những Câu chuyện

Rốt cuộc thì trứng có trước hay vịt có trước?

—–

Image 

Cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này cũng giống như việc nhất định phải rành mạch xem câu chuyện có trước hay nhân vật có trước vậy. Thật ra mỗi tác giả có một cách viết riêng, thậm chí một tác giả cũng có thể lúc này lúc kia. Đôi khi họ có câu chuyện và xây dựng nhân vật của mình xoay quanh câu chuyện đó, đôi khi họ vì quá yêu một nhân vật nào đó nên có nhân vật rồi mới đi tìm câu chuyện. Độc giả cũng tuỳ tâm trạng và cảm hứng của mình mà lựa chọn những tác phẩm phù hợp. Tất cả tạo nên một thế giới nhỏ nhưng đa dạng khiến ai cũng phải hạnh phúc khi ngụp lặn trong đó.

Một trong những điều mình đặc biệt quan tâm khi đọc tiểu thuyết là cá tính của nhân vật. Sherlock Holmes cứ việc xuất sắc phá án, nhưng người ta sẽ không cuồng nhiệt với nhân vật này đến vậy đâu nếu không phải vì cái cá tính biệt dị của ông. Thám tử nào có thể nhốt mình trong phòng cả tuần lễ để mày mò pha chế một thứ thuốc mới, sau đó tiêm thử cho chú chó của mình khiến nó hấp hối không dưới chục lần? Vị bác sĩ nào luôn đồng hành cùng 1 thám tử trong những vụ án và viết về chúng như một cách ghi lại chiến công cho tay bạn thân? Mỗi câu hỏi trên chỉ dẫn tới một đáp án. Đó là lí do tại sao Sherlock Holmes mãi mãi là của Conan Doyle, tất cả những tác phẩm cảm hứng sau này dù là tác giả nào viết cũng phải thuộc lòng một nguyên tắc: trung thành với tính cách nhân vật. Đây không phải là chuyện một cô ca sĩ album trước hát rock album sau hò vọng cổ. Đây là chuyện nguyên tắc, dù nó bất thành văn.

Mỗi khi “vớ được” tiểu thuyết nào mà cá tính nhân vật được thể hiện đậm nét mình hạnh phúc kinh khủng. Mình thậm chí khóc vì cảm giác hạnh phúc đó, mình thề, vì mình đã như vậy. Đôi khi điều đó khiến mình thấy bối rối, vì những câu chuyện đó đều rất vui vẻ, nếu có buồn thì cũng là nỗi buồn dễ chịu thôi. Chẳng hạn như Totto-chan. Mình yêu cô bé đó vô cùng. Chỉ nghĩ đến thôi là muốn ôm nó trong lòng, thơm lấy thơm để rồi 2 đứa sẽ ngồi nói nhảm cả ngày, mình thậm chí sẽ bắt chước thầy Kobayashi ngồi nghe nó kể chuyện 4 tiếng liền nếu nó thích vậy. Nhưng có lẽ nó sẽ vùng ra khỏi lòng mình mà chạy nhảy khám phá đủ thứ thôi, vì đó vốn là một cô bé hiếu động mà. Đọc Totto-chan thì mình khóc nhiều lắm, chẳng hạn như vụ ở trường học cũ, cô bé ra ngoài cửa sổ ngửa cô lên rồi luôn miệng “Ê, đang làm gì đấy?”, “Này, đang làm cái gì đấy?”, “ĐANG-LÀM-CÁI-GÌ-ĐẤY?” với một ai đó, rồi cô giáo tá hoả vì hoá ra nãy giờ Totto đang hỏi chuyện con chim. Hay khi cô bé làm rớt cái túi đựng tiền xuống hố xí [vì có sở thích “đi” xong là phải cúi xuống dòm dòm], bởi vì cái túi đó rất có ý nghĩa nên cô bé đã chạy ra hố phân, xin cái xẻng rồi bới tung nó lên hòng tìm lại, từng múc từng múc một, một cô bé 6 tuổi đã đối xử với đồ người khác tặng cho mình như vậy đó. Nếu mình là người tặng cô bé cái túi thì mình sẽ ôm chầm lấy nó mà cảm ơn mất. Nói về Totto-chan thì mình có thể nói cả ngày, thề!

Cũng dạng nhỏ nhắn lí lắc tốt tính yêu động vật thông minh mặc dù thỉnh thoảng hơi ngố nhưng rất giàu tình cảm như Totto, cô bé Juli cũng để lại nhiều ấn tượng. Cô bé thích Bryce, cậu bạn hàng xóm điên cuồng luôn chỉ vì cậu ta có đôi mắt đẹp nhất mà cô từng thấy. Rồi 6 năm sau, khi hiểu về con người cậu ta và rằng cậu ta ngoài đôi mắt đẹp thì chỉ là một kẻ hèn nhát, nhu nhược thì cô bé đã dàn dụa nước mắt mà nói với mẹ rằng: “…cậu ta không phải là người mà con muốn thích. Con chỉ cần thời gian để quên hết những năm tháng đã trót thích cậu ta thôi”.

Cùng ở lứa tuổi của Totto và Juli nhưng Batot lại là một nhân vật trái ngược hoàn toàn. Về thân phận, trong khi Totto và Juli có một gia đình hoàn toàn tuyệt vời với một người cha mạnh mẽ và đáng tin cậy, một người mẹ ấm áp và chu toàn thì Batot lại bị cha mình bán cho 1 ổ mại dâm. Cô bé vì vậy cũng trở nên khôn ranh và người lớn trước tuổi. Cô buộc phải trưởng thành vì cô không có cơ hội được làm con nít. Batot dụ một gã thích cô lấy cho thứ cô bé cần bằng ánh mắt lả lơi, xong việc thì trả công cho hắn bằng một nụ hôn mà chính cô bé 9 tuổi đã miêu tả thế này: “Tôi đưa lưỡi tìm kiếm cái lưỡi của anh, nhưng nó rụt lại như một con chó co rúm sợ bị đánh. Khi anh bắt đầu rụt rè chạm lưỡi vào lưỡi tôi, tôi xô anh ra bằng cả 2 tay […] Tôi không biết tại sao mình cư xử đáng hổ thẹn như thế, nhưng tôi đã có cái chuốt bút chì, và tôi không bao giờ nhìn đến Bandu một lần nào nữa”

Trước đây thỉnh thoảng mình cũng đọc những mẩu chuyện teen kiểu gà bông gà hoa trên mạng. Mình cũng bị hấp dẫn bởi cách viết mượt mà này. Nhưng khi mình không còn thỉnh thoảng nữa mà tìm đọc những câu chuyện đó nhiều hơn thì cho tới giờ là gần 4 năm rồi mình không đọc thể loại này nữa. Không thể nào có một câu chuyện hay khi mà cá tính của ai cũng nhàn nhạt. Mặc dù biết rằng viết được một câu chuyện [dù là nhàn nhạt] thật sự rất khó, và bản thân mình thì chưa bao giờ dám bước chân vào lĩnh vực này, nhưng thật sự là giữa việc đọc 10 câu chuyện và việc đọc 1 câu chuyện với 10 kiểu sắp xếp từ ngữ khác nhau có một khoảng cách vô cùng lớn mà, đúng không?

Mình đã nói rất nhiều về việc xây dựng câu chuyện xoay quanh nhân vật, không có nghĩa là cách viết kiểu tập trung kể những câu chuyện và lấp đầy chúng bằng các nhân vật là không ấn tượng. Chẳng hạn như mình rất thích đọc Nguyễn Ngọc Tư. Chị có rất nhiều nhân vật không tên, vì điều mà chị thật sự muốn kể chỉ là những câu chuyện. Những gì xảy ra trong câu chuyện đó có thể xảy ra ở bất cứ đâu xung quanh ta, những người trải qua câu chuyện đó thậm chí có thể là chính ta. Vậy nên Nguyễn Ngọc Tư vẫn có sức ám ảnh nhất định, dù mình chịu thôi nếu ai đó bắt mình kể tên một nhân vật gắn liền với tác giả này.